Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Phương Thảo: "Tôi tôn thờ tình yêu và trân trọng quân tử" - DẦU GỘI KAFEN

Breaking News

Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Phương Thảo: "Tôi tôn thờ tình yêu và trân trọng quân tử"

"Tôi từng đi hát cả chục show/ngày mà không thu vén được"

Sau nửa năm nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, cuộc sống của chị có nhiều thay đổi?

- Cuộc sống thì vẫn vậy nhưng tôi hạnh phúc hơn khi cha mẹ vui vẻ, khỏe mạnh và hãnh diện về con gái, người thân, bạn bè đều tự hào về mình. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân không chỉ là sự ghi nhận của cơ quan quản lý, các cấp lãnh đạo và công chúng mà còn là một vòng nguyệt quế danh giá cho sự nghiệp. Từ đó tôi có thêm động lực phấn đấu trên chặng đường tiếp theo, khẳng định mình xứng đáng với những gì đã được trao tặng.

Chị từng là ca sĩ trẻ nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 2016. 7 năm sau, ở tuổi 41, chị lại được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Điều gì đã giúp chị có vinh dự đặc biệt này, trong khi không ít đồng nghiệp vất vả, nhiều lần nộp hồ sơ nhưng chưa toại nguyện?

- Tôi vẫn luôn nhận với mọi người rằng mình quá may mắn trong sự nghiệp. Từ ngày đi học, tôi đã đánh giá được nhiều anh chị có giọng hát tốt, điều kiện tốt hơn mình nhiều. Thế nhưng không hiểu sao, cứ đi thi cùng nhau, tôi luôn bất ngờ dành phần thưởng lớn hơn họ.

Khi ấy, dù còn rất "trẻ con", nhưng lúc nhận vinh quang trong cuộc thi, tôi đã tự đặt câu hỏi: "Sao mình lại được?". Sau này tôi nghĩ là do số phận thôi. Ai cũng có những được, có mất trong đời.

Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Phương Thảo: "Tôi tôn thờ tình yêu và trân trọng quân tử"- Ảnh 1.

Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Phương Thảo. (Ảnh: FBNV)

Nhìn lại chặng đường từ khi là ca sĩ tại Đoàn ca múa kịch Hương Sen (Nghệ An) tới hiện tại, chị thấy mình đã thay đổi như thế nào? Đâu là thời điểm chị thăng hoa nhất trong sự nghiệp?

- Tôi thay đổi là do trưởng thành hơn thôi chứ bản chất thì vẫn thế. Con người tôi khá linh hoạt, khi cần thì giản đơn, gặp người chân thành sẽ sâu sắc. Giai đoạn 20 - 30 tuổi, tôi đi hát nhiều nhưng vô tư, chưa hiểu nhiều về giá trị của bản thân cũng như sự nghiệp. Cứ thấy có người gọi là đi thôi, thậm chí không biết cả đến giá trị đồng tiền. Có thời điểm, tôi đi hát mỗi ngày 9 đến 11 show mà vẫn không thu vén được "nỗi lo cơm áo", cuộc sống chưa ổn định.

Từ 30 - 40 tuổi là thời điểm tôi thăng hoa nhất trong sự nghiệp và cuộc sống. Thất bại trong hôn nhân dạy tôi bài học và tự mình lớn khôn. Tôi đàn bà hơn từ tiếng hát đến cách sống, đón nhận nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc đời mình từ đó.

Có khi nào nghiệp ca hát của chị có những nốt trầm, điều không như ý?

- Tôi nằm trong số ít người làm nghề hiếm khi bị bệnh nghề nghiệp tai mũi họng, thỉnh thoảng có ho húng hắng một tí thì ngậm chanh muối là hết. Đấy chính là may mắn tuyệt vời nhất của ca sĩ. Vóc dáng thì bao năm vẫn thế, có lên cân cũng chỉ đỡ gầy gò chứ chưa từng béo, bởi vậy thanh và sắc lúc nào cũng ổn định.

Thêm nữa, trong quá trình làm nghề, tôi không thích bon chen, chỉ làm tốt phần việc của mình. Và bởi vậy, khi nhìn lại, tôi thấy mình chẳng có gì không thuận lợi.

NSND Phạm Phương Thảo thể hiện ca khúc "Ca dao em và tôi" của cố nhạc sĩ An Thuyên. (Clip: YTNV)

Hãy cứ để người trẻ nghe nhạc trẻ

Trong một cuộc họp báo, NSND Thanh Hoa từng nói không hiểu sao các giải thưởng lớn tại những cuộc thi âm nhạc thường thuộc về người Nghệ Tĩnh, các ca sĩ nổi tiếng thuộc dòng dân gian, trữ tình cũng có rất nhiều người sinh ra từ đây. Chị có đồng tình với suy nghĩ này? Theo chị, vì sao lại như vậy?

- Xứ Nghệ là một trong những cái nôi của văn hóa dân gian. Âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh ngọt ngào, dễ nghe, dễ mến, từ đó nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc trong những người con quê hương, khiến họ giàu cảm xúc và tình yêu với nghệ thuật. Đó có lẽ là lý do mà mảnh đất này sinh ra nhiều người hát hay, trong đó không ít người theo đuổi con đường âm nhạc.

Bên cạnh đó, vì ấn tượng âm sắc xứ Nghệ mà ai hát về xứ Nghệ, khán giả cũng nghĩ đều là người Nghệ. Thực ra, nhiều vùng đất như Quảng Ninh, Thanh Hóa... sinh ra các giọng hát "khủng", họ cũng hát hay và mượt mà lắm.

Nhiều người cho rằng, dòng nhạc dân gian, viết về quê hương, đất nước mà chị đang theo đuổi là dòng nhạc hay, giá trị nhưng không được giới trẻ mến mộ bởi đang thiếu những dự án tuyên truyền bài bản. Là giọng ca hàng đầu tại thể loại này, chị có quan niệm như vậy?

- Tôi luôn cho âm nhạc là món ăn tinh thần. Đã là món ăn thì mỗi người, mỗi thời điểm mang một khẩu vị khác nhau. Người trẻ cứ nên nghe nhạc trẻ cho vui vẻ, yêu đời, mang nhiều năng lượng tích cực, nhờ thế giữ được tinh thần phấn đấu. Đến lúc trưởng thành, họ sẽ tự thay đổi theo cảm xúc, tâm hồn mình. 

Sự đa dạng giúp vườn hoa nghệ thuật sinh động, rộn ràng, và nhờ thế nghệ sĩ chúng tôi ai cũng có đối tượng khán giả yêu thương mình. Cứ nghiêng hết về một phương e lại là khập khiễng.

Thế nhưng, có khi nào chị nghĩ dòng nhạc này sẽ sôi động hơn khi có thêm khán giả?

- Chẳng cần nặng nề thế đâu. Khán giả của dòng nhạc dân gian hầu hết là người trưởng thành và lớn tuổi. Họ nghe nhạc sâu lắng, tĩnh lặng. Có người nín thở khi nghe ca sĩ ngân nga, họ ngồi im, thậm chí nhắm mắt để nuốt từng chữ. Có người gặp lại mình đâu đó trong bài hát bỗng ứa lệ, ngồi khóc sụt sùi. Mọi sự la hét ồn ào sẽ phá vỡ sự tận hưởng của họ. Có chăng nếu thay đổi thì tôi chỉ mong nhạc sĩ hãy viết nhiều bài mới hay hơn, ca sĩ hãy hát truyền cảm hơn để khán giả luôn nhớ mình.

"Tôi từng sai trong hành xử với cố nhạc sĩ An Thuyên"

Ở tuổi ngoài 40, chị có cuộc sống sung túc, giàu sang. Cơ ngơi này có bởi nghệ thuật đem lại?

- Ai cũng có những cơ hội cho cuộc đời mình, tôi là người may mắn chứ không giỏi thu vén. Tôi đi hát kiếm tiền, còn may mắn giúp tôi sinh ra tiền từ vài mảnh đất. Nói là sung túc thì cứ nhận vậy cho vui cũng được, chứ thực tế là tôi thường xuyên chẳng có đồng nào trong người (cười).

Viên mãn trong sự nghiệp, đủ đầy trong đời sống nhưng đường tình của chị không ít gập ghềnh. Chị từng nói mình là người quyết liệt và điên dại trong tình yêu. Sau những mối nhân duyên không tới bến đỗ hạnh phúc, chị có còn nhiều niềm tin vào tình yêu và đàn ông như vậy?

- Tôi có tới bến đấy chứ! Tới đàng hoàng và đi đàng hoàng. Tôi vẫn yêu và hạnh phúc chứ chưa bao giờ mất niềm tin vào bất cứ điều gì. Tôn thờ tình yêu và trân trọng quân tử, đó là một phần phương châm sống của tôi.

Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Phương Thảo: "Tôi tôn thờ tình yêu và trân trọng quân tử"- Ảnh 2.

Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Phương Thảo có cuộc sống an yên, viên mãn ở thời điểm hiện tại. (Ảnh: FBNV)

Chị cũng chia sẻ: "Thấy tôi không lấy chồng và lên núi xây điện, nhiều người trêu tôi sống thoát tục. Đó có lẽ là số phận của tôi rồi". Không biết có khi nào chị thấy cô đơn trong cuộc sống "thoát tục" ấy?

- Mọi người trêu thế vì nghĩ tôi lên núi xây Đền thờ, phụng Phật Thánh thì nghĩa là thoát tục, nhưng đấy là họ tự nghĩ thôi. Thực tế thì người thân vẫn biết cuộc sống tôi hoàn toàn phàm tục - vẫn yêu đương và buồn vui nhân thế. Đôi lúc tôi muốn được cô đơn mà rất khó, vì tự mình tuổi này vốn đã an nhiên, ít có điều gì khiến mình trăn trở. 

Hơn thế nữa, tôi nhiều bạn lắm, bạn tôi và gia đình của họ chẳng để tôi yên. Có rảnh một bữa muốn một mình, bạn đã mang đồ ăn lên núi chơi cùng rồi.

Trong số những người thân trong cuộc đời chị, không thể không kể tới cố nhạc sĩ An Thuyên. Chị từng tâm sự với nhà thơ Dương Kỳ Anh: "Ông không những là người thầy, còn như người cha, như người anh, như người bạn tri âm, tri kỷ… Có người hỏi em yêu thầy phải không? Em bảo, còn hơn cả tình yêu đấy chứ". Tại sao giữa chị và nhạc sĩ An Thuyên lại có tình cảm đặc biệt như vậy?

- Nhạc sĩ An Thuyên là người đặc biệt lắm! Thầy là người bạn lớn của nhiều người bởi sự tinh tế và thấu hiểu. Vì tôi sai trong hành xử, tôi càng nặng nghĩa với thầy. 

Ngày trẻ tôi hay giận. Càng thân quý, tôi càng nhạy cảm nên dễ giận, đã giận là nhất định không chủ động làm lành. Trong lúc thực hiện một chương trình, thầy báo nhầm lịch cho tôi. Tới gần ngày diễn, thầy báo lại nhưng tôi đã nhận show khác, không thể đi hát cho thầy. Bị thầy mắng mà mình không sai, tôi giận thầy không gặp, không nói chuyện hơn 3 tháng. Đến khi nhận được tin thầy mất thì đã quá muộn để ăn năn, hối tiếc. Tôi ân hận đến mức về sau này tôi không giận ai được nữa. 

Trước khi từ biệt, thầy còn dạy tôi bài học như vậy thì sao tôi không sâu sắc cho được? Tôi luôn nghĩ khi thác đi, người đầu tiên tôi tìm gặp sẽ là thầy. Sẽ phải hội ngộ thật vui vẻ ấy chứ!

Sống ở ngoại ô trong căn nhà vườn rộng 8.000m2, chị tìm niềm vui cho mình như thế nào?

- Niềm vui của tôi nhiều đến mức dư dả. Tôi vui sướng khi nấu những món ăn rất dở mà bạn bè vẫn khen ngon và ăn hết. Tôi hạnh phúc khi có hoa nở trong vườn để người làm cắt dâng Phật Thánh. Tôi cũng không cần về bên cha mẹ mà vẫn yên lòng vì đã có các anh chị, các cháu ở quê qua lại hàng ngày. Tôi mỉm cười với cỏ cây khi cơn gió lao xao vờn qua, vờn lại, lâu lâu lại hát nghêu ngao tản bộ quanh nhà, chẳng cần một ai nghe... 

Ở  tuổi này, tôi nhận ra rằng: Chỉ khi niềm vui không phải kiếm tìm mà tự đến từ tâm, nụ cười của ta mới an nhiên được.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Phạm Phương Thảo sinh năm 1982 ở Nghệ An. Cô trưởng thành từ đoàn ca múa kịch Hương Sen ở quê nhà. Năm 2003, nữ ca sĩ đoạt giải Ba cuộc thi Sao Mai phong cách dân gian và được giải "Ca sĩ được yêu thích nhất". Ngày 6/3/2024, cô là một trong 126 nghệ sĩ được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Ngoài ca hát, Phạm Phương Thảo đã thành công khi lấn sân sang lĩnh vực sáng tác với những ca khúc nổi tiếng như: Đất mẹ ngày về; Gái Nghệ; Cho em thôi chòng chành; Trăng sáng một mình... Năm 2019, cô ra mắt tập thơ Đi hết xuân thì.

No comments