Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể: "Lần đầu tiên áo dài có "danh phận"? - DẦU GỘI KAFEN

Breaking News

Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể: "Lần đầu tiên áo dài có "danh phận"?

Áo dài Huế mang nét đẹp đặc trưng của văn hóa Việt

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có Tri thức dân gian - Tri thức may, mặc áo dài Huế, tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể: "Lần đầu tiên áo dài có "danh phận"?- Ảnh 1.

Cán bộ ngành Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tham dự ngày Tết truyền thống tại Bảo tàng Gốm cổ sông Hương. (Ảnh: NVCC)

Trả lời Dân Việt về cách gọi "áo dài Huế", nhà nghiên cứu hội họa, họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt - người có nhiều năm nghiên cứu về áo dài truyền thống chia sẻ: "Nhắc tới áo dài Huế chính là nhắc tới nơi khai sinh ra trang phục áo ngũ thân (tiền thân của áo dài hiện đại ngày nay), còn sự khác biệt trong kiểu thức giữa các miền, các địa phương ở thời điểm hiện tại là không đáng kể.

Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều quy định mới, trong đó nêu rõ áo dài là trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, nhằm cho thấy sự khác biệt về trang phục với Đàng Ngoài, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa, thoát ly khỏi nhà Lê – Trịnh. Tới giai đoạn năm 1826 đến năm 1837, sau khi thống nhất toàn cõi, vua Minh Mạng đã ban hành quy định mới. Từ đó, áo dài chính thức trở thành trang phục truyền thống của người Việt".

Áo dài Huế không chỉ là trang phục gắn với chiều dài lịch sử mà còn mang những nét đẹp đặc trưng của văn hóa Việt. Ở đó, người Việt thể hiện sự tỉ mỉ, tinh tế của mình trong các khâu kỹ thuật cắt, may, luôn tà, làm nút. Chiếc áo dài không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng không gian, giá trị và bản sắc văn hóa.

Bên cạnh đó, tà áo dài truyền thống cũng có những quy định riêng, vừa đảm bảo sự kín đáo, trang nhã của người mặc, vừa che giấu đi những khuyết điểm trên cơ thể. "Với nam giới, áo dài ngũ thân thoải mái, thanh lịch nhưng vẫn trang trọng, uy nghiêm. Với phụ nữ, phần ống tay, cổ áo được làm nhỏ lại, nhằm tôn lên nét dịu dàng, thanh mảnh".

Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể: "Lần đầu tiên áo dài có "danh phận"?- Ảnh 2.

Ngày 9/7/2020, cán bộ, công chức Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài trong buổi lễ chào cờ thứ Hai đầu tháng. Đây là nét đẹp đã được cán bộ Sở duy trì, lan tỏa rộng ra cộng đồng. (Ảnh: NVCC)

Vì sao khách du lịch đến Huế thường mua hoặc thuê áo dài?

Theo ông Nguyễn Đức Bình, quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Tri thức dân gian - Tri thức may, mặc áo dài Huế là di sản phi vật thể mang nhiều ý nghĩa, cũng có thể nói là lần đầu tiên áo dài có "danh phận" trong một văn bản mang tầm quốc gia, dù chưa có những quy định, điều luật thực sự rõ ràng. "Không chỉ tôn vinh sự tài khéo, tinh tế của nghệ nhân may áo, tôn vinh nét đẹp, cách sử dụng trang phục áo dài của người dân xứ Huế mà nói rộng ra, quyết định này còn khẳng định vẻ đẹp thẩm mỹ của trang phục, tập quán sử dụng trang phục áo dài xưa đã được lan tỏa từ Kinh đô Huế. Để đi tới kết quả này, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã rất nỗ lực trong việc quảng bá, phục hồi và cả "chấn hưng" cách may, mặc áo dài, đây là điều đáng để các địa phương khác học tập".

Ông Nguyễn Đức Bình phân tích thêm: "Thừa Thiên Huế đã sáng suốt trong việc làm hồ sơ để trình áo dài là một di sản văn hóa phi vật thể. Hướng đi này được chuẩn bị chặt chẽ, gắn chặt với ngành công nghiệp văn hóa - du lịch đang được thúc đẩy tại địa phương, trong đó có việc chọn điểm nhấn đặc trưng để phát triển thành sản phẩm phục vụ thương mại, dịch vụ, du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể: "Lần đầu tiên áo dài có "danh phận"?- Ảnh 3.

Trang phục áo dài cả nam và nữ thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. (Ảnh: NVCC)

Đề án Huế - Kinh đô áo dài do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt vào tháng 3/2023, những công việc chuẩn bị cho đề án đã được các cơ quan chức năng của Huế chuẩn bị từ lâu, với nhiều hành động và phương án cụ thể. Trước khi có quyết định, Huế đã làm được những điều mà nhiều địa phương không làm được. Chúng ta có thể thấy áo dài được quảng bá, sử dụng ở rất nhiều địa phương, nhưng để mọi người tới Huế mua áo dài, thuê áo dài để mặc, chụp ảnh thăm quan, có vai trò rất tích cực của Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên Huế, đặc biệt là những người đứng đầu ngành văn hóa. Điển hình là sự kiện diễn ra ngày 7/9/2020, khi cán bộ các phòng, ban thuộc ngành Văn hóa mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ Hai đầu mỗi tháng và làm lễ chào cờ. Dấu mốc đầu tiên ấy cho thấy sự thay đổi rất lớn, cách làm rất đáng học tập của Thừa Thiên Huế".

Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể: "Lần đầu tiên áo dài có "danh phận"?- Ảnh 4.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình dành nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn áo dài ngũ thân nhiều năm qua. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo ông Bình, tri thức may, mặc áo dài thể hiện sự khác biệt ở việc mặc áo dài cho đúng và chuẩn. "Áo dài không phải những chiếc áo có tà dài, mà phải có văn hóa, hiểu biết trong việc may, mặc. Trên các diễn đàn văn học, trên báo chí, áo dài đều được coi là "biểu tượng văn hóa Việt Nam", tuy vậy hiện chưa có văn bản chính thức nào công nhận điều này, cũng chưa hề có đơn vị nào quản lý điều đó. Đây là điều thiếu sót và rất cần cải thiện trong thời gian tới" - ông Bình nêu quan điểm.

Trong khi đó, trao đổi với PV Dân Việt, nhà thiết kế Quang Huy cho rằng: "Áo dài Huế truyền thống (và một số địa phương) có dáng áo dài nhưng khác biệt với áo dài Sài Gòn ở phần cổ, tay áo và tà áo. Cổ thường cao, tà áo thường dài và rộng, tay áo được máy kín hoặc có tay lửng. Chất liệu chủ yếu là lụa, dệt thủ công với hoa văn dựa trên họa tiết cung đình, tinh xảo. Màu sắc trang nhã thể hiện sự thanh lịch và sang trọng.

Áo dài Huế không chỉ là trang phục mà còn là biểu tượng của nét đẹp truyền thống, của sự thanh lịch, là biểu hiện của tinh thần tự tôn dân tộc, của lòng tự hào về văn hóa Việt Nam. Để đi đến ngày hôm nay, áo dài Huế đã được sử dụng trong nhiều dịp lễ hội, nghi lễ truyền thống, đặc biệt là trong các lễ cưới hỏi, lễ hội văn hóa, các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng…"

Cũng theo nhà thiết kế Quang Huy, để phát huy giá trị của áo dài, giúp trang phục này tiếp cận được người trẻ, các cơ quan chức năng cần tạo ra những cuộc thi, các cuộc biểu diễn sáng tạo cho các nhà thiết kế trẻ nhằm thể hiện phù hợp xu hướng thời trang hiện đại. "Tất nhiên, cần phải có bộ nguyên tắc tiêu chuẩn, giới hạn trong sáng tạo với áo dài truyền thống, nhằm giữ gìn và bảo tồn vẻ đẹp truyền thống của áo dài Huế, cũng như áo dài Việt Nam" – nhà thiết kế Quang Huy chia sẻ.

No comments